Ngày phá giàn mồng tơi, trung tá Liên ngạc nhiên khi người dân tranh nhau mót những lá rau còn sót lại. Chị quyết định xách túi hạt giống bước ra khỏi doanh trại.
Sáng chủ nhật, dù khá mệt sau một tuần làm việc tại trụ sở phái bộ Gìn giữ hoà bình Liên Hợp Quốc ở Trung Phi (MINUSCA), trung tá Nguyễn Thị Liên vẫn thức dậy sớm. An ninh báo động đỏ do đụng độ vừa xảy ra khiến 2 người chết, 3 người bị thương, nhưng nghĩ đến lời hứa và ánh mắt mong mỏi của người dân, chị ăn sáng rồi lấy hạt đậu xanh cho vào túi, bước ra khỏi nhà.
Nhìn thấy nữ sĩ quan Việt Nam từ xa, hàng chục người dân đã reo lên sung sướng. Họ giơ bàn tay lên rồi cụp dần từng ngón, ý nói đã đếm ngược từng ngày chờ chị đến. Con trai của bà chủ nhà hào hứng chỉ những luống đậu xanh hai tuần tuổi nhiều lá xanh và đều tăm tắp. Anh nói đã đầu tư một thùng phuy đựng nước tưới, cuốc sẵn đất để chờ chị đến trồng.
Nguyên giảng viên của Trường sĩ quan đặc công bật cười khi thấy những luống đất "cao như con đê", qua cả đầu gối. Thế là cả hai hì hụi cào xuống rồi tra hạt khi ba luống đất to đã tơi xốp. "Niềm vui lộ rõ trên khuôn mặt đen đúa, mướt mải mồ hôi của con trai bà chủ nhà", chị nói.
Hôm nay, ngoài gia chủ, nhiều người dân xung quanh cũng đến quan sát để làm theo.
Hai tháng trước, ngay khi vừa đặt chân đến Cộng hòa Trung Phi, chị Liên và đồng đội đã cuốc đất trồng rau. Chỉ nửa tháng sau, mảnh vườn nhỏ đã xanh mướt với đầy đủ các loại rau muống, mồng tơi, đủ màu sắc của các loại hoa cúc, thược dược... Ngày phá giàn mồng tơi, chị ngạc nhiên khi những người dân xung quanh đến giành nhau mót những lá còn sót lại.
Chị quyết định đi sâu vào trong dân để hiểu hơn cuộc sống của họ dù theo quy ước của Liên Hợp Quốc, các sĩ quan gìn giữ hoà bình không được quá thân thiết với người dân bản địa để đảm bảo an toàn trong điều kiện nội chiến leo thang. Trước mắt chị, những ngôi nhà nhỏ bé, xiêu vẹo, cũ kỹ hiện ra. Đa số đàn ông đều đi vắng lâu ngày, để lại vợ và những đứa con nheo nhóc. Lũ trẻ sống kham khổ nên gương mặt gầy guộc và rất khó tìm thấy nụ cười ở chúng.
Lương thực hàng ngày của người dân vùng lục địa đen này là cassava - bột củ sắn. Họ cho vào nồi nước đun gần sôi rồi đảo cho sánh lại rồi đơm ra đĩa ăn cùng bát canh loãng nấu từ vài cọng rau muống thái nhỏ. Cháu bé 7 tháng tuổi cũng phải ăn cháo sắn loãng. Ở Trung Phi, gạo là hàng xa xỉ, chỉ có trong siêu thị và giá bán 80.000 đồng mỗi kg.
Trong khi không có rau và lương thực để ăn, đa số các gia đình đều bỏ hoang những mảnh vườn màu mỡ. Nhìn cỏ dại mọc um tùm, nữ trung tá sĩ quan gìn giữ hoà bình thấy xót xa. Một vài lần đem gạo tặng cho người mẹ và hướng dẫn chị nấu cháo cho con, nữ chiến sĩ mũ nồi xanh Việt Nam quyết định giúp họ canh tác, cải thiện bữa ăn. Đầu tiên, chị trồng ở đối diện khu nhà trọ một vườn đủ loại rau từ muống, cải đến các giàn bầu, bí...
Dần dần, chị đi ra xa khu nhà ở hơn. Giọt mồ hôi của chị rơi ở đâu thì nơi đó đất hoang trở thành vườn rau xanh tốt. Hạt giống ở mảnh vườn này nảy mầm, ngoi lên khỏi mặt đất thì những hạt giống khác lại được gieo xuống. Những gương mặt khắc khổ, đen đúa của người dân bản địa trở nên tươi vui hơn.
Một ngày cuối tháng 8, chị tìm đến một gia đình để "xin được giúp đỡ họ". Những căn phòng nhỏ như tổ chim được xây liền kề, tạm bợ làm nơi tránh nắng che mưa cho hàng chục người cả già lẫn trẻ. Phía trước nhà là khoảng đất rộng chai lì với cỏ bò kín mặt.
"Nhìn thấy khoảng đất rộng, tôi nghĩ ngay đến việc trồng đỗ xanh để có lương thực giúp họ cải thiện bữa ăn, còn trồng rau sẽ là phụ", chị nói. Tuy nhiên, nếu như rau có thể nhìn thấy thành quả ngay sau vài ngày, thì cây đỗ cần nhiều thời gian và sự kiên trì mới biết kết quả. Nữ sĩ quan Việt Nam phải thuyết phục bà chủ nhà để chị được giúp họ trồng đỗ trên mảnh đất đó.
Chị kể cho bà nghe về những ngày đói khổ của đất nước mình, về sự cần cù lao động của người nông dân trên những thửa ruộng để vượt qua nghèo đói. Để tăng hiệu quả "đàm phán", trung tá Liên pha bột đậu xanh với đường rồi mời những người trong nhà uống thử, cho họ xem những chế phẩm được làm từ đậu xanh.
"Những ngụm nước bột đậu đã thuyết phục được suy nghĩ của dân. Anh con trai đầu tiên chỉ đứng từ đằng xa nhìn, nhưng sau khi uống thử đã cầm cuốc vạch ra khoảng đất có diện tích to gấp 6 lần phần đất bà mẹ cho phép ban đầu", chị kể. Sau đó, anh ta sau đó cũng là người cuốc đất miệt mài nhất.
Chị Liên dạy những người trong nhà cách làm đất, đánh luống, rạch luống, tra hạt... Người con trai dùng gang tay để tính khoảng cách các hố và đếm hạt rất cẩn thận. Chị cũng dạy họ phải gom tro bếp để sau này bón cho cây, tăng độ cứng cáp và tránh sâu bọ, cách làm phân hữu cơ từ vỏ cam, chanh...
"Làm đến trưa, họ nấu cháo sắn gồm bột sắn, lá sắn, dầu của cây chàm và quả chuối mời mình dùng bữa cùng. Tôi ăn thử thấy rất chua và khó nuốt, chỉ mong đỗ mau ra quả để có thể dạy họ làm bánh sắn nhân đậu", nguyên giảng viên Trường sĩ quan đặc công tâm sự.
Nữ chiến sĩ mũ nồi xanh Việt Nam đã thắp lên ước mơ làm "Ông chủ đậu xanh" cho chàng trai châu Phi này khi chị kể ở Việt Nam mọi người thường dùng đậu xanh để nấu chè, có thể mở quán bán hàng. Chị cũng khuyên anh mời dân làng đến để họ chiêm ngưỡng mảnh vườn, khi họ thích thì hãy bán hạt giống cho họ.
Những hạt đỗ xanh mang từ Việt Nam với mục đích làm giá đỗ đã được chị Liên chuyển đổi mục đích, cho chúng nảy mầm trên đất Trung Phi. Những gói hạt giống rau củ cũng được chị chia sẻ cho những người khốn khó, dạy họ cách kiếm ăn trên mảnh đất của mình. Chị bảo, nếu đậu cho kết quả tốt, sẽ nghiên cứu cách trồng lúa trên cạn để giúp người dân có lương thực phục vụ bữa ăn.
"Nhìn thấy những người dân vui vẻ mình cũng vui theo. Thấy mình ở ngoài đường, họ đều giơ tay chào và không quên tung một nụ hôn gió. Điều này giúp tôi thấy an toàn hơn ở nơi luôn có cảnh báo đụng độ này", chị Liên nói.
Ảnh: Nhân vật cung cấp
Hoàng Thùy